Thẩm định là một quá trình đánh giá toàn diện các vấn đề về hoạt động kinh doanh, tài sản, tài chính, lợi thế thương mại, năng lực và hiệu quả hoạt động của công ty mục tiêu trước khi các bên chính thức thực hiện giao dịch M&A. Từ đó giúp bên mua xác định yêu cầu và nghĩa vụ của mình khi tiến hành giao dịch, tính chất và mức độ của trách nhiệm pháp lý của công ty mục tiêu, các vấn đề của hợp đồng, rủi ro tranh chấp kiện tụng và các vấn đề về sở hữu trí tuệ. Việc thực hiện thẩm định là cần thiêt bởi trong bối cảnh phần lớn các công ty tại Việt Nam tồn tại dưới quy mô vừa và nhỏ, không chịu nhiều sự giám sát của thị trường và tồn tại rất ít nguồn tin công khai để bên mua có thể đánh giá. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến việc thẩm định pháp lý (Legal Due Diligence – LDD) bao gồm hoạt động đánh giá quá trình thành lập, vốn và cơ cấu vốn, cơ cấu tổ chức quản lý và nhân sự chủ chốt, hợp đồng trọng yếu và nhóm khách hàng, tài sản, kiện tụng, và một số lĩnh vực khác tùy vào hoạt động của công ty mục tiêu và nhu cầu của bên mua.
Trong lĩnh vực này, bên mua có thể kiểm tra tính tuân thủ của bên bán liên quan đến loại hình doanh nghiệp, thời gian hoạt động, trụ sở chính và các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh cũng như ngành nghề kinh doanh. Cụ thể, bên mua sẽ kiểm tra các tài liệu sau: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh; giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Điều lệ và các phụ lục điều chỉnh Điều lệ; giấy chứng nhận sử dụng mẫu dấu. Từ đó, bên mua có cơ sở xem xét và đánh giá bên bán có hoạt động theo loại hình doanh nghiệp được pháp luật cho phép, thời gian hoạt động có phù hợp với giấy phép/giấy chứng nhận đã cấp, các chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh có đầy đủ giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, bên mua còn xem xét các ngành nghề kinh doanh đang được tiến hành bởi bên bán có thuộc danh sách ngành nghề kinh doanh bị cấm hay thuộc danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bên mua sẽ kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện áp dụng như các tiêu chuẩn, quy chuẩn, giấy phép, giấy chứng nhận, v.v.
Mức vốn đăng ký, mức vốn thực tế đã được góp, loại tài sản đăng ký góp vốn và loại tài sản thực góp, cơ cấu vốn người nắm giữ vốn (thành viên hoặc cổ đông) và tỷ lệ phần trăm phần vốn góp sẽ được bên mua kiểm tra và thẩm định. Cụ thể, bên mua sẽ kiểm tra các tài liệu như giấy xác nhận ngân hàng về việc góp vốn, biên bản góp vốn, giấy xác nhận góp vốn, báo cáo tài chính, sổ đăng ký thành viên/cổ đông để xem xét việc hoàn tất góp vốn của các cổ đông/thành viên hiện hữu tại công ty mục tiêu trên thực tế có đúng hạn và đúng mức đã đăng ký hay không, loại tài sản góp vốn có được cho phép theo quy định của pháp luật hay không. Từ đó bên mua có thể xác định những rủi ro phát sinh liên quan đến nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ thực hiện chế tài của công ty mục tiêu đối với việc không tuân thủ.
Bên mua sẽ kiểm tra danh sách những người giữ các chức vụ chủ chốt trong công ty mục tiêu như thành viên Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị, Giám đốc, trưởng các bộ phận và các quyết định bổ nhiệm tương ứng. Từ đó, xem xét các chức vụ chủ chốt này có đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của pháp luật doanh nghiệp cũng như có thuộc trường hợp không được thành lập và đảm nhiệm vị trí quản lý doanh nghiệp, những chế tài phạt vi phạm có thể áp dụng trong trường hợp có sai phạm xảy ra trong tổ chức quản lý công ty.
Bên mua sẽ kiểm tra những hợp đồng quan trọng, có giá trị lớn mà Công ty mục tiêu đã ký kết. Theo đó, bên mua sẽ xem xét những điều khoản thỏa thuận độc quyền, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, điều kiện chấm dứt hợp đồng trong trường hợp thay đổi cơ cấu quản lý của công ty, việc chấp thuận những hợp đồng có giá trị lớn hoặc với người liên quan thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị, những vấn đề chưa rõ ràng, những rủi ro mà công ty mục tiêu có thể gặp phải dựa trên các điều khoản của Hợp đồng/thỏa thuận, nếu có. Để từ đó, bên mua có thể xác định được các quyền và nghĩa vụ pháp lý mà công ty mục tiêu đang có và những thỏa thuận pháp lý đang ràng buộc công ty mục tiêu.
Bên mua sẽ kiểm tra các giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản thuộc sở hữu, sử dụng hợp pháp của công ty mục tiêu như quyền sử dụng đất, nhà kho, nhà xưởng hay tài sản đặc biệt như tài sản trí tuệ hoặc các tài sản yêu cầu phải đăng ký quyền sở hữu khác như ô tô, tàu thuyền sẽ được chú trọng xem xét và đánh giá. Trong đó, đối với tài sản trí tuệ thuộc loại tài sản trí tuệ không cần hoặc không thể đăng ký văn bằng bảo hộ (như bí mật kinh doanh, quyền tác giả và quyền liên quan), bên mua sẽ kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện để công ty mục tiêu trở thành chủ sở hữu của các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ này. Từ đó, bên mua có thể xem xét liệu rằng công ty mục tiêu có đang sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp các tài sản này hay không, và những tài sản này liệu có đang bi tranh chấp quyền sở hữu và/hoặc quyền sử dụng, bị cầm cố, thế chấp hay được sử dụng để làm tài sản đảm bảo trong các giao dịch hay không.
Bên mua sẽ xem xét và tổng hợp các tranh chấp, khiếu nại đã và đang được xảy ra mà công ty mục tiêu là một bên của tranh chấp, khiếu nại hoặc là bên liên quan. Theo đó, việc thẩm định sẽ tập trung vào việc phân tích hồ sơ vụ án (công ty mục tiêu đã nộp đơn khởi kiện hoặc đang chờ tham gia vụ án với tư cách bị đơn/người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; việc giải quyết tranh chấp và các điều khoản giải quyết; các khiếu nại đe dọa đến danh tiếng, quyền và lợi ích của công ty mục tiêu; vấn đề về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài) và đánh giá vị trí pháp lý của công ty mục tiêu trong vụ án giải quyết tranh chấp, khiếu nại đó.
Ngoài những lĩnh vực chính trên đây, tùy theo nhu cầu của bên mua và lĩnh vực hoạt động cụ thể của công ty mục tiêu mà bên mua có thể thẩm định việc tuân thủ trong các lĩnh vực, vấn đề khác.
Như vậy, kết quả của việc thẩm định sẽ cung cấp cho bên mua một bức tranh toàn cảnh về tình trạng pháp lý của công ty mục tiêu theo từng lĩnh vực liên quan, các rủi ro mà công ty mục tiêu đang hoặc sẽ đối mặt, đánh giá về mức độ rủi ro và lưu ý các vấn đề cần phải quan tâm. Theo đó, bên mua sẽ có những quyết định đúng đắn và phù hợp dựa trên kết quả này.
Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.